Độc đáo bún bắp

Ở Phú Yên có làng nghề sản xuất bún bắp nổi tiếng một thời, nhưng qua dâu bể chỉ còn duy nhất gia đình cụ Hồ Đắc Kia (85 tuổi, ở thôn Bình Hòa, xã An Dân, H.Tuy An) vẫn “sống chết” với nghề.
Bài viết ẩm thực hay sẽ được chia sẻ tại đây!
Cụ Kia xếp bún bắp trên lá chuối
 /// Ảnh: Đức Huy
Cụ Kia xếp bún bắp trên lá chuối
ẢNH: ĐỨC HUY

5 ngày làm sợi bún

Thôn Bình Hòa nằm ven sông Con, một nhánh của sông Kỳ Lộ ở hạ lưu. Theo lời cụ Kia, những vùng đất bồi ven sông xưa kia chủ yếu trồng bắp (ngô), là nguồn lương thực của vùng quê nơi đây.
Để tạo ra những món ăn khác lạ ngoài bắp nướng, bắp luộc, bắp rang… người dân ven sông Con đã sáng tạo món bún bắp. Cụ Kia không nhớ rõ nghề sản xuất bún bắp của làng mình có từ thuở nào, nhưng chỉ biết là có từ rất lâu, đến đời ông thì cũng đã trải qua 4 - 5 đời rồi.
Chế biến bún bắp cũng khá gian truân. “Từ khâu giã, ngâm cho lên men rồi xay thành bột, đến khi ra thành sợi bún thì mất 5 ngày”, cụ Kia bảo. Muốn sợi bún có màu vàng tươi đẹp, bắt mắt thì phải chọn giống bắp chất lượng. “Màu của sợi bún tùy thuộc vào màu của bắp nguyên liệu”, cụ Kia nói.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Tuy An (Phú Yên), cho biết: “Hiện nay huyện đang hỗ trợ gia đình cụ Kia khôi phục lại nghề bún bắp ở xã An Dân và xây dựng theo hướng đặc sản của H.Tuy An”.
Muốn có sợi bắp dai, thơm ngon thì phải chú ý đến công đoạn ủ bắp. Cách ủ là ngâm bắp giã vào nước lạnh, sau đó vớt bắp lên nong để ráo, rồi trùm lưới mùng ủ qua một ngày đêm cho bắp lên men, có mùi hơi chua.
Trong quá trình ủ bắp, phải thường xuyên rưới nước để tạo độ ẩm cho hạt bắp. Sau đó tiếp tục cho lại vào nước để ngâm, rồi vớt ra cho vào cối xay thành bột, đăng bột lại, đưa vào máy ép ra sợi bún. “Nói vậy nhưng làm khó lắm, nhiều người cũng thử làm nhưng đều thất bại”, cụ Kia chia sẻ.
Tuổi già, cụ Kia cũng muốn “rửa tay gác kiếm” nghỉ ngơi, nhưng tiếc nghề truyền thống, phần thì các con thuyết phục nên cụ khôi phục lại nghề. “Để truyền nghề cho tụi nhỏ, tui phải luôn cạnh bên, cầm tay chỉ việc. Vậy mà sơ hở tí là hỏng bét”, cụ nói vui khi đang tay bắt những sợi bún nóng hổi.
Đặc sản xứ nẫu
Sau khi thuyết phục cụ Kia khôi phục lại nghề làm bún bắp, chị Hồ Thị Hạnh (con gái út của cụ Kia) đã tạo tài khoản “Bún bắp An Dân” trên mạng xã hội Facebook để quảng bá sản phẩm.
Nhờ đó, lượng khách đặt hàng ngày càng đông. “Trước đây, gia đình chỉ sản xuất bún vào cuối tháng âm lịch. Nhưng bây giờ, gia đình sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Không những khách trong ngoài tỉnh mà ngay cả người dân trong thôn cũng thường xuyên đến mua”, chị Hạnh cho biết.
Có rất nhiều cách chế biến bún bắp cho món ăn ngon, khác lạ. Theo lời chị Hạnh, món ăn ban đầu của những người xưa là bún bắp xào hẹ. Lá hẹ không những tạo mùi hấp dẫn mà còn có thể trị ho.
Để đa dạng món ăn hơn ngày xưa, chị Hạnh cũng đã thử nhiều cách chế biến khác nhau: bún bắp ăn kèm với canh chua cá bống đầm Ô Loan, bún bắp xào hẹ với tiết bò, bún bắp xào hải sản… Chị Hạnh tâm sự: “Khi khách hỏi mua bún thì thường hỏi cách chế biến như thế nào? Thế là mình nghĩ ra những cách chế biến làm sao phát huy độ ngon, hương vị của bún bắp”.

Comments