Sau những ngày mưa gió dầm dề, làng biển ấm dần lên. Đây là lúc những mẻ cá cơm mồm theo thuyền về xôn xao bến bãi.
Bài viết ẩm thực hay sẽ được chia sẻ tại đây!
Nhỏ bạn thành phố về thăm quê hài hước: “Chu cha ơi là cá cơm mồm! Thuở ta đi mi cũng chừng này. Giờ ta già xọm mi vẫn chưa chịu lớn”.
Cá cơm mồm còn gọi là cá cơm trắng, có thân mình nhỏ xíu, trong suốt, trắng ngà như sữa. Trong dòng họ cá cơm (cá cơm thường, cá cơm than, cá cơm sọc, cá cơm đỏ) thì cá cơm mồm ngon nhất và lành nhất.
Loài cá cơm thường di chuyển ở tầng nước phía trên, vùng gần cửa biển, để ăn phiêu sinh vật từ sông đổ ra. Chúng đi thành đàn. Mỗi đàn ước hàng chục tấn. Ngư dân dùng lưới mành vây bủa để bắt cá. Được vài tấn thì về bến, trút cá lên bờ rồi quay ra bắt tiếp.
Cá cơm mồm nấu cháo khuya là một trong những món ruột của làng tôi. Cháo dễ nấu. Gạo ít, nước nhiều, nấu nhuyễn, trút cả mớ cá cơm mồm vào, nêm chút muối là thành nồi cháo “chuẩn”. Khi ăn, rắc chút hành ngò băm nhỏ, chút tiêu bột để tạo mùi thơm cho chén cháo ngon hơn.
Nồi cháo cá cơm mồm làm xóm đêm thơm phức. Ngư dân dọn lưới khuya, đứng lên uốn mình mấy cái rồi sà vào chiếc chiếu trải giữa sân, cạnh nồi cháo to đang bốc khói nghi ngút. Sì sụp húp cháo, trăng rơi... vào chén mà chẳng ai hay.
Tôi hồi nhỏ, mới bảy, tám giờ tối đã híp mắt vì buồn ngủ. Nhưng nghe mẹ nấu cháo cá cơm mồm ăn khuya là tỉnh ngay. Cứ nghe mùi thơm là biết nồi cháo đến “giai đoạn” nào. Thơm mộc mạc là gạo đang chuyển thành cháo.
Thơm ngòn ngọt, beo béo là lúc cá cơm mồm đã được bỏ vào nồi. Thơm... bâng khuâng đầu lưỡi là khi nồi cháo nêm nếm xong. Thơm nồng nàn là lúc hành ngò được xắt nhỏ. Nhưng mùi thơm không hồi hộp bằng nghe âm thanh lanh canh chén bát.
Ăn cháo cá cơm mồm, húp muỗng nào nghe thanh tao miếng đó. Tí cay cay tinh tế của tiêu bột, tí hăng nồng của hành ngò khiến ai cũng lấm tấm mồ hôi. Đã nhất là “nghe” từng con cá cơm mềm mại, ngọt lừ loãng tan trên mặt lưỡi cùng với những hạt cháo nhuyễn bân.
Cháo cá cơm mồm đạt hai tiêu chuẩn là ngon và lành. Cái ngon như đã kể. Còn cái lành thì... nói luôn: Người đang lừ đừ vì bị cảm lạnh hay cảm nắng, vừa thổi vừa húp vài chén cháo nóng hổi này là cảm thấy nhẹ người ngay.
Không chỉ nấu cháo, cá cơm mồm còn có những “phiên bản” khác không kém hấp dẫn. Xay bột gạo, pha loãng, cho vài mớ cá cơm mồm vào, khuấy nhẹ rồi đổ bánh xèo. Rứt miếng bánh xèo đèo dăm bảy con cá, chấm với nước mắm nhĩ dằm ớt xanh thì ngon... rụng rời luôn.
Ngoài ra, đánh trứng vịt pha cá cơm mồm vào rồi đổ chả, ăn với bánh tráng giòn thì hổng còn một miếng. Nấu canh bầu với cá này cũng là món được nhiều người nội trợ lựa chọn vì có tác dụng giải nhiệt. Đơn giản nhất là khi bạn đến chơi nhà, hốt một nắm cá cơm khô thả vô chảo dầu là có cái để nhâm nhi trò chuyện.
Nhớ thời bao cấp, cả nước thiếu thốn trăm bề, cá cơm mồm được ăn một cách “sáng tạo” với... củ lang. Nghe thì hơi kỳ nhưng mà ngon vào hạng nhất nhì! Cá được kho ngót (kho lưng lửng, không mặn, không nhạt) ăn với cơm nóng thì khỏi chê.
Nhưng cơm thường không đủ với những gia đình nhiều con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vậy là củ lang... được phép bầu bạn với cá cơm mồm. Có thể nghèo khó ăn gì cũng ngon. Nhưng tôi vẫn thấy trong củ lang có “chất” gì đó mà ăn chung với cá cơm mồm, húp chút nước cá lờ lợ thanh thanh, phải nói ngon... thần thánh!
Lứa trẻ con làng tôi ngày ấy đi qua những năm gian khổ là nhờ cái món “lạ đời”: cá cơm mồm ăn với củ lang. Vậy nên có người “nhiều chữ”, thấy cá cơm mồm hay ví von rằng cái giống cá chút xíu mà níu cả tuổi thơ.
Comments
Post a Comment